Thâm nhập thị trường EU qua nền tảng số – tigifood
Giỏ hàng

Thâm nhập thị trường EU qua nền tảng số

Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số được coi là giải pháp hữu hiệu cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu nói chung, EU nói riêng.

Phương thức phổ biến

Chia sẻ tại hội thảo “Xuất khẩu Việt Nam trước thềm Hiệp định thương mại Việt Nam - EU và xu hướng chuyển đổi số” diễn ra mới đây, ông Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) - cho biết, tại các nước đang phát triển, xu hướng xuất khẩu trực tuyến đang là sự lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp. Đây cũng là xu hướng tất yếu khi các nhà nhập khẩu trên thế giới đang thường xuyên tìm kiếm bạn hàng thông qua internet.

tham nhap thi truong eu qua nen tang so
Xuất khẩu trực tuyến đang là sự lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp

Các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… có tỷ lệ sử dụng internet rất cao. Vì thế, nếu các doanh nghiệp khai thác được thương mại điện tử (TMĐT) để tiếp cận thị trường xuất khẩu sẽ rất hiệu quả.

Theo các chuyên gia, các sàn TMĐT lớn như Alibaba hay Amazon đã và đang tìm cách gia nhập thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam, điều này sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm các nền tảng số để kinh doanh.

Dự báo, TMĐT xuyên biên giới sẽ tăng lên mức 3,3 nghìn tỷ USD trong 2 năm tới. Do đó xuất khẩu qua môi trường TMĐT là xu thế tất yếu và cũng là phương thức nhanh nhất giúp doanh nghiệp có được đơn hàng một cách nhanh chóng. TMĐT không thể thay thế hoàn toàn cách truyền thống nhưng các doanh nghiệp phải tiếp cận và triển khai.

Tiếp cận thị trường hiệu quả

Dự kiến Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) sẽ được phê chuẩn và thực thi vào nửa đầu năm 2020. Theo đó, EU cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất của Việt Nam vào EU.

“Trong thời gian tới, giá trị xuất khẩu của châu Âu vào Việt Nam dự kiến sẽ tăng hơn 3% mỗi năm, củng cố vị thế của Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của châu Âu, và là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất trong khu vực ASEAN” - ông Đoàn Duy Khương cho biết.

Bên cạnh những lợi thế thương mại và thu hút đầu tư từ châu Âu, EVFTA giống như một trò chơi đối kháng đầy thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, một số ngành hàng sẽ gặp phải những rào cản mạnh mẽ vì yêu cầu về chất lượng, an toàn và nguồn gốc, xuất xứ tại thị trường này rất cao. Hơn nữa, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng sẽ làm cho các yêu cầu và tiêu chuẩn phức tạp hơn nhiều.

Hiện tại, 96% doanh nghiệp của Việt Nam là các công ty vừa và nhỏ có nguồn lực lao động và kỹ năng quản lý hạn chế. Do đó, khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do là không dễ dàng. Bên cạnh đó, để nhận được lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chí xuất xứ sản phẩm. Đây là thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Trong khi đó, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Bà Judy Ke - Chuyên gia tư vấn về thương mại quốc tế - cho biết, xu hướng chuyển đổi số đã có ảnh hưởng sâu rộng đến xuất nhập khẩu toàn cầu và đây thực sự là cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay. Cũng theo bà Judy Ke, năm 2020 sẽ là thời điểm vàng cho xuất khẩu của Việt Nam. Doanh nghiệp Việt nên tận dụng thời điểm này để đẩy mạnh xuất khẩu. Việc sử dụng nền tảng thương mại điện tử trong xuất khẩu sẽ giúp doanh nghiệp giảm nhân viên và chi phí hậu cần, tiết kiệm thời gian, kết nối khách hàng trên toàn cầu.

Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam cần khắc phục nhanh những hạn chế sử dụng nền tảng công nghệ và nhân lực số để có thể tận dụng cơ hội tăng xuất khẩu qua thương mại điện tử.

Nguyễn Hường (Công Thương)