Tận dụng cơ hội, mở rộng thị trường xuất khẩu gạo – tigifood
Giỏ hàng

Tận dụng cơ hội, mở rộng thị trường xuất khẩu gạo

Thị trường gạo thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, dù vậy, gạo Việt Nam vẫn còn cơ hội để tận dụng mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt khi Thái Lan đang gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu gạo.


Ảnh minh họa (Ảnh: KL)

Trên thị trường thế giới, giá xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba năm do nguồn cung mới từ vụ lúa hè dồi dào, trong khi nhu cầu toàn cầu suy yếu cũng làm giảm xuất khẩu từ các đầu mối xuất khẩu gạo chủ chốt khác. Trong đó, gạo đồ 5% tấm Ấn Độ giảm 10 USD, từ 368 – 372 USD/tấn giảm xuống 358 – 362 USD/tấn, sau đó trở lại mức 365 – 370 USD/tấn. Với thị trường Thái Lan, gạo 5% tấm của nước này từ 390 – 413 USD/tấn giảm xuống 394 - 410 USD/tấn. Gạo 5% tấm của Việt Nam giữ ở mức 345 - 350 USD/tấn.

Trong nước, tháng 11.2019, giá lúa, gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng nhẹ do nguồn cung hạn chế. Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, tại An Giang, lúa IR50404 tăng 400 đồng/kg, lúa OM5451 tăng 100 đồng/kg; gạo IR50404 ở mức 10.000 đồng/kg. Tại Vĩnh Long, lúa Thu Đông tại huyện Vũng Liêm tăng 400 đồng/kg; gạo IR50404 ở mức 12.000 đồng/kg; gạo jasmine ở mức 14.000 đồng/kg.

Về tình hình xuất khẩu, tháng 11.2019, khối lượng gạo xuất khẩu nước ta ước đạt 400 nghìn tấn với giá trị đạt 186 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 11 tháng năm 2019 ước đạt 5,91 triệu tấn, đạt 2,6 tỷ USD, tăng 4,8% về khối lượng nhưng giảm 9,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Trong 10 tháng năm 2019, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 33,2% thị phần. Ngoài ra, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Senegal, Bờ Biển Ngà, Tanzania,…

Hiện nay, Cơ quan thu mua lương thực Quốc gia Indonesia (Bulog) đặt mục tiêu sẽ thu mua 1,6 triệu tấn lúa từ nông dân trong năm 2020 và duy trì mức dự trữ sẽ là 1,35 triệu tấn vào cuối năm 2020. Trên thực tế cho tới giữa tháng 11/2019, kho dự trữ của Bulog đã đạt 2,25 triệu tấn, như vậy, để có thể thực hiện việc thu mua và duy trì mức dự trữ như kế hoạch, nước này sẽ cần tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn gạo trong năm 2020.

Dự kiến trong năm tới, Indonesia sẽ giảm nhập khẩu gạo và thay vào đó là tiêu thụ lượng gạo đang dự trữ nhiều trong kho. Bên cạnh đó, chính phủ Thái Lan cho biết khủng hoảng chính trị diễn ra tại Hồng Kông ảnh hưởng đến thương mại gạo của nước này. Trong 9 tháng năm 2019, Thái Lan đã xuất khẩu 127 nghìn tấn gạo sang Hồng Kông, giảm 11% so với năm 2018.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), dự báo xuất khẩu gạo nước ta sắp tới sẽ gặp khó khăn do Hồng Kông khủng hoảng chính trị, Indonesia đang tồn kho quá lớn. Dù vậy, dự báo giá gạo Thái Lan thời gian tới sẽ cao, làm giảm khả năng cạnh tranh. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam mở rộng thị trường trong năm tới.

Theo dangcongsan.vn