Sau nới lỏng, có thêm 41 thương nhân tham gia 'cuộc chơi' xuất khẩu gạ – tigifood
Giỏ hàng

Sau nới lỏng, có thêm 41 thương nhân tham gia 'cuộc chơi' xuất khẩu gạo

Sau khi nghị định 107/2018/NĐ-CP thay thế nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh, xuất khẩu khẩu gạo có hiệu lực theo hướng “nới lỏng” các rào cản, thủ tục tham gia thị trường, đã có thêm 41 thương nhân gia nhập “cuộc chơi” ngành gạo.

Đã có 41 thương nhân tham gia xuất khẩu gạo sau khi nghị định 107 có hiệu lực từ 1-10-2018. Trong ảnh là minh họa các thông tin liên quan nghị định 107 theo tài liệu của Cục xuất nhập khẩu. Ảnh chụp màn hình: Trung Chánh


Thông tin nêu trên được ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho biết tại hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị ngành lúa gạo” được tổ chức hồi giữa tuần này ở Thành phố Cần Thơ.

Theo ông Hải, trước khi nghị định 107 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-10-2018, thì việc gia nhập thị trường xuất khẩu gạo của thương nhân phải đáp ứng các điều kiện của nghị định 109, bao gồm các quy định kho chứa, cơ sở xay xát...

Theo đó, số lượng thương nhân tham gia hoạt động xuất khẩu gạo theo nghị định 109 chưa đến 140. Nhưng, sau gần 1 năm nghị định 107 có hiệu lực, tức khi các điều kiện tham gia xuất khẩu gạo được “nới lỏng”, thì số thương nhân tham gia đã tăng thêm 41, đưa tổng số thương nhân tham gia xuất khẩu gạo hiện đạt con số 177.

Không chỉ gia tăng về số lượng, số địa phương có thương nhân tham gia xuất khẩu gạo cũng được mở rộng hơn, bao gồm cả khu vực miền Trung.

Cụ thể, theo ông Hải, sau khi nghị định 107 có hiệu lực đã có thêm 5 địa phương mới có thương nhân tham gia xuất khâu gạo, bao gồm Nghệ An, Quảng Trị, Bình Dương,  Hà Tĩnh và Nam Định. “Trước đây, chủ yếu là các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long và 1 vài địa phương phía Bắc, nhưng hiện nay có thêm 5 địa phương mới”, ông cho biết.

Ông Hải cho biết, trong 41 thương nhân mới tham gia “cuộc chơi” xuất khẩu gạo, có 12 thương nhân thuê kho, nhà máy xay xát của những đơn vị khác để đáp ứng điều kiện và 29 thương nhân còn lại đầu tư cơ sở mới. “Chúng ta thấy nghị định 107 "nới lỏng", cho phép các thương nhân được thuê kho chứa, nhưng vẫn có rất nhiều thương nhân tự đầu tư, cho thấy doanh nghiệp gạo có cam kết lâu dài với ngành”, ông cho biết.

Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, nghị định 107 đã có những “nới lỏng” so với nghị định 109, bao gồm xóa bỏ các yêu cầu về điều kiện phải sở hữu cở sở xay xat, kho bãi, nghĩa là doanh nghiệp không cần phải đứng tên đầu tư, mà có thể thuê lại.

Quy định mới cũng cho phép một số thương nhân không cần phải có giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo vẫn có thể xuất khẩu khi những thương nhân này tập trung vào các sản phẩm gạo hữu cơ, gạo đồ và gạo bổ sung vi chất…

Trung Chánh (thesaigontimes)