Nhu cầu cao, giá lúa gạo tăng mạnh: Vụ lúa Đông Xuân không lo đầu ra – tigifood
Giỏ hàng

Nhu cầu cao, giá lúa gạo tăng mạnh: Vụ lúa Đông Xuân không lo đầu ra

Gạo 5% tấm (IR 50404) của Việt Nam từ giá 355- 360 USD/tấn (FOB), nhảy vọt lên 380 USD/tấn, loại 15% tấm và 25% tấm thấp hơn 10 USD/tấn cho mỗi loại. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 12/2018.

Nhu cầu cao, giá lúa gạo tăng mạnh: Vụ lúa Đông Xuân không lo đầu ra
Nông dân ở xã Phú Long, huyện Phú Tân, An Giang đang bán lúa cho thương lái.
Tuần 10/2-17/2, giá gạo dao động trong khoảng 355 - 360 USD/tấn. Giá gạo tăng mạnh là do nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường Philippines và Malaysia. Dù vậy, vẫn thấp so với gạo Thái.
Hiện gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức 430- 445 USD/ tấn, so với 425- 447 của tuần trước. Có nhiều dự đoán, giá gạo Việt Nam thậm chí còn tăng hơn nữa vì hiện nay giá vẫn thấp hơn đáng kể so với các nước sản xuất gạo khác.
Tăng như vẫn thấp hơn gạo Thái!
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 15/2/2020, Việt Nam đã xuất khẩu được 653.388 tấn gạo, với 303,176 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2019 tăng 32,98% về khối lượng và tăng 39,77% về trị giá. Ước khối lượng gạo xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2020 đạt 890.700 tấn, trị giá 409,712 triệu USD.   
Các thương nhân Thái Lan cho biết, mùa khô ở Thái Lan thường bắt đầu vào tháng 11 và kéo dài đến tháng 4 năm sau, mặc dù năm nay chính quyền cho biết có thể kéo dài đến tháng 6, ảnh hưởng đến sản xuất lúa gạo ở nhiều khu vực. Tuy có những lo ngại về nguồn cung do hạn hán nhưng nhu cầu gạo trên thị trường hiện vẫn rất trầm lắng, như vậy, giá gạo tăng có thể là do sự biến động của tỷ giá hối đoái. 
Giá gạo của Việt Nam trên thị trường đang tăng cao, gạo IR 50404 loại 5% tấm tăng từ 30 - 40 USD/tấn, nhưng vẫn không có gạo để bán. Đây là hiện tượng hiếm thấy! Giá gạo xuất khẩu tăng kéo giá lúa cũng tăng theo. Các tỉnh khu vực ĐBSCL đang thu hoạch vụ lúa Đông Xuân rộ, ước thu hoạch đạt khoảng trên 40% diện tích. 
Nông dân Nguyễn Văn Thức, ở Thị trấn Sa Rày, Huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp cho biết, lúa ĐT8, tươi tại ruống giá 5.000 đồng/kg, lúa Jasmines, OM 4900 đều có giá 4.800đồng/kg, lúa IR 50404 có giá 4.500 đồng/kg, so với cuối năm 2019 giá lúa đang cao hơn từ 500 - 600 đồng/kg.
Còn theo bà Trần Thị Hoàng Anh, Trưởng Điều phối Chương trình Phát triển Bền vững ở Việt Nam, Phoenix Group cho biết, công ty đang thu mua lúa tại các cánh đồng liên kết với công ty và đã nhập kho được trên 3.000 tấn lúa. Hiện các loại lúa như: Đài thơm 8 (ĐT8), OM 6976, IR 5451  ... đều có giá từ 5.000 đồng/kg trở lên. Ít khi công ty xuất khẩu gạo trong vụ Đông Xuân mà chỉ tập trung mua lúa để dành qua tháng 6 phối trộn với lúa hè thu, chỉ ký hợp đồng bán trong thời điểm này khi nào có giá thật tốt.
“Hiện công ty liên kết được 2.000 hecta lúa với nông dân tại các tỉnh Long An và Đồng Tháp. Giá mua được tính theo thị trường. Đây là năm thứ ba Phoenix tổ chức liên kết bao tiêu với bà con. Công ty chỉ mua lúa và mua hết sản lượng lúa của bà con trong vùng liên kết mà bà con đăng ký với công ty ngay từ đầu vụ, cho dù chất lượng lúa như thế nào công ty vẫn mua, các diện tích không liên kết chất lượng lúa có đẹp thế mấy đi nữa chúng tôi cũng không mua”, bà Hoàng Anh nói.
Giá gạo xuất khẩu tăng doanh nghiệp rầu
Tính cho đến thời điểm này, diễn biến thị trường lúa gạo hoàn toàn trái ngược lại với những gì mà các doanh nghiệp dự đoán mỗi khi vào vụ Đông Xuân. Thông thường, khi thu hoạch rộ lúa Đông Xuân giá lúa trên thị trường thường xuống thấp, vì lúc đó lượng lúa hàng hóa trên thị trường rất dồi dào, còn bây giờ không có đủ gạo để cho doanh nghiệp mua. 
Theo doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Đồng Tháp (xin dấu tên), giá lúa gạo tăng nhanh là do các nước Philippines, Malaysia đồng loạt nhận hàng trong cùng thời điểm, lượng gạo phải giao khá lớn nên các doanh nghiệp phải tăng giá mua để gom hàng.
Sau khi nghỉ Tết, doanh nghiệp mở cửa làm việc lại, suốt tuần đó giá lúa vẫn ổn định, nhưng sang tuần giá lúa bắt đầu tăng và tăng liên tục cho đến ngày hôm nay giá lúa trên thị trường vẫn đang tăng trung bình từ 3 - 5 USD/tấn/ngày.
Tuy nhiên, giá bán còn tùy thuộc vào thời gian giao hàng ký kết trong hợp đồng. Giá gạo trên thị trường càng lên thì càng dễ bán nhưng khi quay đầu xuống giá thì lại rất khó bán. Đó là tâm lý của thị trường.
“Giá lúa tăng cao, công ty thiếu hàng giao nên gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp nào ký hợp đồng mà không có hàng trong kho, hoặc giao hàng với số lượng lớn phải chịu lỗ. Bởi không có doanh nghiệp nào nghĩ rằng trong vụ Đông Xuân giá lúa lại lên tốt lên nhanh như vậy. Giá lúa gạo tăng là doanh nghiệp lỗ, giá lúa gạo xuống thì nông dân khổ!”, đại diện doanh nghiệp này nói.
Với giá lúa tốt như hiện nay thu nhập của bà con trong vụ lúa này là rất tốt, và lượng lúa hàng hóa cho nông dân chắc chắn sẽ được tiêu thụ hết. 

Theo Quang Trí

BizLive