Làm cách nào đưa sản phẩm Việt vào các siêu thị Hàn Quốc? – tigifood
Giỏ hàng

Làm cách nào đưa sản phẩm Việt vào các siêu thị Hàn Quốc?

Để trả lời câu hỏi đó của các doanh nghiệp, hiệp hội đang sản xuất kinh doanh, ngày 19/11, Cục Công tác phía Nam, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc. Tại hội nghị, các đại biểu Hàn Quốc và Việt Nam đã trực tiếp trao đổi những thắc mắc, khó khăn trong công tác trao đổi hàng hóa, góp phần khơi thông thị trường song phương đầy tiềm năng giữa 2 nước.    

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Vân Nga, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam cho biết, hiện nay, Hàn Quốc đang là đối tác lớn thứ 2 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác lớn thứ 4 của Hàn quốc với kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đang tăng dần qua từng năm. Năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương giữa 2 nước đạt 65,7 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2017. Riêng 10 tháng 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu cũng đã đạt 56 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ.

lam cach nao dua san pham viet vao cac sieu thi han quoc
Hội nghị Kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc

Tuy nhiên, bên cạnh những con số tăng trưởng thì việc xuất khẩu thủy- hải sản, nông sản từ Việt Nam sang Hàn Quốc đang có dấu hiệu sụt giảm 2,4% trong 9 tháng đầu năm.

lam cach nao dua san pham viet vao cac sieu thi han quoc
Bà Nguyễn Vân Nga, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị

Theo ông Bae Byung Cheol, Giám đốc Trung tâm xúc tiến xuất khẩu thủy sản Hàn Quốc, tổng giá trị nhập khẩu nông sản năm 2018 của Hàn Quốc là 35,2 tỷ USD, nhưng trong đó nông lâm thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam mới chỉ chiếm gần 6%. Dư địa xuất khẩu của Việt Nam còn rất lớn, bởi trung bình, người Hàn Quốc sử dụng 200kg rau/người/năm, 60kg trái cây/người/năm. Chỉ riêng năm 2018, Hàn Quốc nhập khẩu 8.446 tấn rau quả, nhưng từ Việt Nam chỉ 304 tấn; 5.045 tấn thủy sản, từ Việt Nam 647 tấn; lâm sản là 3.825 tấn, Việt Nam chỉ 795 tấn.

lam cach nao dua san pham viet vao cac sieu thi han quoc
Ông Bae Byung Cheol, Giám đốc Trung tâm xúc tiến xuất khẩu thủy sản Hàn Quốc (bên trái) và ông Kim Suk, Giám đốc Thu mua thực phẩm tươi sông Công ty TNHH Emart trực tiếp trao đổi với các doanh nghiệp

Người dân Hàn Quốc rất ưa chuộng nông sản, thủy sản Việt Nam - đó là điều kiện cho việc thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sang Hàn Quốc. Nhất là sau Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, nhiều sản phẩm nông nghiệp được giảm thuế như thủy sản (tôm, cua, cá), nông - lâm sản (hoa quả nhiệt đới, đồ gỗ) và mở cửa thị trường cho tỏi, gừng, mật ong, khoai lang... Ngoài 5 loại trái cây là dừa, dứa, chuối, xoài và thanh long được Hàn Quốc cho phép nhập khẩu, Việt Nam cần đẩy mạnh các mặt hàng có tiềm năng như: cà phê, ớt, tỏi, gạo, tôm, cá đông lạnh, cải bắp, xu hào, cà chua…

Nguyên nhân của tình trạng hàng hóa nông sản Việt Nam còn chưa xuất khẩu mạnh, ông Bae Byung Cheol cho rằng, hiện nay phần lớn đối tác Việt Nam đủ năng lực sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của nhà nhập khẩu (như sản phẩm đồng bộ về chất lượng, kích cỡ, màu sắc; thương hiệu; vệ sinh an toàn thực phẩm; chế biến sâu…). Nhất là từ khâu nguồn gốc chất lượng sản phẩm và giá thành sản phẩm.

Cụ thể, ông Kim Suk, Giám đốc Thu mua thực phẩm tươi sống của của Công ty E mart Việt Nam chia sẻ, E mart và các công ty Hàn Quốc thường có quy định, tiêu chuẩn riêng đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống. Chỉ cần hàng nguyên liệu thô của Việt Nam có vấn đề từ ban đầu, dù có sản xuất ra thành phẩm nào cũng không đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra các khâu đóng gói bao bì hay các sản phẩm phụ gia sử dụng cũng phải có trong danh mục các chất được cho phép. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp kinh doanh hay xuất khẩu cũng cần hợp tác chặt chẽ đồng bộ với các nông trại trong việc kiểm soát quá trình sản xuất đảm bảo chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của nhà nhập khẩu. Đồng thời có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu nuôi trồng – chăm sóc – thu hoạch cho đến đóng gói.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị sẵn sàng các giấy tờ kiểm định về chất lượng nguồn gốc có giá trị để nhà nhập khẩu có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc và có sự tin tưởng cũng như thuận tiện cho việc trao đổi hàng hóa.

Đáng chú ý, trước nhiều đại diện các hợp tác xã từ Đồng Tháp, Tiền Giang có cùng câu hỏi về việc có thể cung ứng các sản phẩm nông sản vào siêu thị E mart, ông Kim Suk cũng cho biết, hiện thời, siêu thị đang đều đặn tiếp nhận thẩm định các sản phẩm mới vào sáng thứ 4 hàng tuần tại văn phòng chuyên trách của E mart Gò Vấp. Các doanh nghiệp đều có cơ hội để mang sản phẩm của mình đến, thẩm định, trao đổi các thức giao dịch.

Tuy nhiên, hiện nay, siêu thị cũng rất chú trọng đến việc sản phẩm đóng gói sẵn theo tiêu chuẩn chất lượng để phục vụ cho nhu cầu các gia đình nhỏ từ 1 đến 3 thành viên. Đây là xu hướng người tiêu dùng mà công ty chú trọng và cho rằng đang ngày càng phát triển trong thời gian tới. Ngoài ra, “người dân bắt đầu chuyển qua mua hàng trực tuyến nhiều hơn và chú ý tới những sản phẩm có ý tưởng tiếp thị độc đáo, thu hút, thân thiện với môi trường. Đây là những xu hướng tiêu dùng quan trọng nhất mà các nhà xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý để có chiến lược phù hợp khi tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng và xuất khẩu nông sản vào thị trường Hàn Quốc nói chung” – ông Kim Suk nhấn mạnh.  

  

Thu Hà - Hầu Tỷ (Công Thương)