Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh – tigifood
Giỏ hàng

Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh

Sau khi sụt giảm do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 15 ngày đầu tháng 2 đã đạt 19,23 tỷ USD, tăng đến 32% so với kỳ 2 tháng 1/2020 và tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu 15 ngày đầu tháng 2 đạt trị giá 9,6 tỷ USD, tăng 30% so với nửa cuối tháng 1/2020 (do có một tuần nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý). Lũy kế đến hết ngày 15/2, kim ngạch xuất khẩu đạt 27,86 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ 2019.

kim ngach xuat nhap khau hang hoa tang manh
Xuất nhập khẩu tăng mạnh nửa đầu tháng 2

Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch trong 15 ngày đầu tháng 2 đạt 9,62 tỷ USD, tăng 33,7% so với kỳ 2 tháng 1. Luỹ kế đến hết ngày 15/2, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đạt 28,27 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nửa đầu tháng này, nước ta tiếp tục nhập siêu 30 triệu USD. Luỹ kế từ đầu năm đến hết ngày 15/2, con số nhập siêu của cả nước là 410 triệu USD.

Do có 2 kỳ nghỉ Tết tương đối dài, những ngày đầu năm 2020, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng tương đối lớn. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cũng tác động mạnh đến kim ngạch xuất khẩu nước ta. Trong đó, một trong những thị trường lớn nhất của nước ta là Trung Quốc đã giảm mạnh nhập khẩu.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã liên tục đưa ra khuyến cáo các doanh nghiệp hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới, trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch và phía đối tác Trung Quốc có khả năng nhận hàng. Doanh nghiệp cũng cần liên hệ với đối tác phía Trung Quốc để đàm phán chuyển đổi sang hình thức xuất khẩu chính ngạch và chủ động áp dụng các biện pháp sẵn sàng chuyển đổi như thay đổi bao bì, nhãn mác hàng hóa, dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm…

Ngoài ra, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo thông lệ quốc tế, nâng cao chất lượng, triển khai tốt các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước nhập khẩu, tránh phát sinh rủi ro và giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

​Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới, trong đó có việc chỉ đạo toàn bộ hệ thống Thương vụ, chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tham gia tìm kiếm và giới thiệu khách hàng mới, góp phần thúc đẩy chuyển hướng tiêu thụ nông, thủy sản, trái cây trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời tiếp tục theo dõi và có thông báo, khuyến cáo đến các địa phương, doanh nghiệp khi có những diễn biến mới của bệnh dịch có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Lan Phương (congthuong.vn)