KIẾN TẠO GIÁ TRỊ NÔNG SẢN THÔNG QUA CHUỖI LIÊN KẾT – tigifood
Giỏ hàng

KIẾN TẠO GIÁ TRỊ NÔNG SẢN THÔNG QUA CHUỖI LIÊN KẾT

Bài cuối: Liên kết chặt để kiến tạo giá trị nông sản

Để nâng cao giá trị nông sản thông qua chuỗi liên kết thì vai trò của HTX nông nghiệp rất quan trọng.  (Trong ảnh: Sơ chế rau ở HTX Rau an toàn Gò Công).				   	   Ảnh: CAO LẬP ĐỨC
Để nâng cao giá trị nông sản thông qua chuỗi liên kết thì vai trò của HTX nông nghiệp rất quan trọng. (Trong ảnh: Sơ chế rau ở HTX Rau an toàn Gò Công). Ảnh: CAO LẬP ĐỨC

Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp theo Quyết định 899 ngày 10-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai thực hiện nhiều năm qua, tuy nhiên giá trị nông sản Việt vẫn chưa có năng lực cạnh tranh cao. Làm thế nào để kiến tạo giá trị nông sản Việt? Câu hỏi ấy đã nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học và các nhà quản lý, hoạch định chính sách của ngành Nông nghiệp…

Để gỡ một số “nút thắt” hiện nay trong việc thực hiện chuỗi giá trị nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng đã, đang và tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp.

KẾT NỐI THỊ TRƯỜNG

Về “nút thắt” thị trường tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, trong công văn trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Tiền Giang ngày 20-2-2019, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, để mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, Bộ NN&PTNT đã chủ trì phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành có liên quan để thực hiện đồng bộ các giải pháp: Đẩy mạnh đàm phán khai thông các thị trường nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; đồng thời, gỡ bỏ các rào cản thương mại không công bằng, giảm bớt mức độ tập trung vào các thị trường xuất khẩu nông sản lớn và thúc đẩy phát triển thị trường mới cho các sản phẩm nông nghiệp tiềm năng. Tiếp tục duy trì thị trường truyền thống như Trung Quốc và tăng cường mở rộng các thị trường tiềm năng trên cơ sở tận dụng các FTAs (xu thế và đặc điểm các thỏa thuận thương mại tự do - PV) đã ký kết nhằm khai thác hiệu quả dư địa thị trường. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU (Đức, Pháp, Ý, Thụy Sĩ…), Trung Đông, châu Phi.

Cần giải bài toán đất canh tác nhỏ lẻ, manh mún thì mới có thể đẩy mạnh việc cơ giới hóa, đưa các thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp được. Ở các nước phát triển, cá nhân hoặc doanh nghiệp nhỏ nếu trồng rau, quả thì quy mô diện tích ít ra cũng đến vài trăm ha. Diện tích lớn giúp họ dễ dàng trong việc đưa máy móc vào các khâu làm đất, gieo hạt, xịt thuốc phòng trừ sâu bệnh, tưới nhỏ giọt… Cũng vì canh tác trên diện tích lớn nên họ phải đầu tư máy móc để xử lý sau thu hoạch.

Việc này giúp sản phẩm nông sản của họ bảo quản được lâu hơn nông sản của Việt Nam từ 7 đến 10 ngày. Muốn sản phẩm rau, quả đồng đều hơn về chất lượng và an toàn hơn thì không thể tiếp tục sản xuất với diện tích manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay. Bên cạnh đó, muốn tăng kim ngạch xuất khẩu thì phải tăng khả năng cạnh tranh về logistics để không có việc “đưa 1 kg tôm lên miền núi đắt hơn vận chuyển 1 kg tôm từ Ecuador về Việt Nam”. Ngoài việc đổi mới về logistics, chúng ta cũng nên đổi mới cách làm, đưa công nghệ thông tin vào sản xuất, như đưa công nghệ Blockchain vào để minh bạch quá trình sản xuất, tạo sự yên tâm cho người tiêu dùng.

TS. NGUYỄN MINH CHÂU

Để giải quyết “nút thắt” về thị trường, Bộ NN&PTNT cũng quyết liệt thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành giai đoạn 2017 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cụ thể là: Trên cơ sở quy hoạch, tiến hành đánh giá nhu cầu thị trường (cả trong nước và nước ngoài) để xây dựng các đề án tổ chức lại sản xuất, điều chỉnh quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp; nâng cao năng lực nghiên cứu và dự báo cung - cầu nông sản, đặc biệt dự báo nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao; tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu, kết nối giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối; kết nối thị trường trong nước với thị trường toàn cầu. Tổ chức có hiệu quả hơn hệ thống thương mại nông sản, phát triển các kênh bán buôn, bán lẻ để phát triển mạnh thị trường nội địa; hỗ trợ người sản xuất xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc nông sản. Tổ chức quản lý lại hệ thống thương mại linh hoạt theo cơ chế thị trường để kịp thời khuyến nghị, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp hàng hóa; tập trung đẩy mạnh liên kết chuỗi; khắc phục tư tưởng “sản xuất những gì mình có thể” mà phải rõ khả năng tiêu thụ từ tín hiệu thị trường và khuyến nghị của Bộ NN&PTNT; quản lý chặt chẽ quy hoạch ngành hàng đã có; chủ động giải quyết các tình huống mất cân đối cung - cầu ngay từ cơ sở, dự báo ngay từ khi sản xuất đến tiêu thụ nông sản hàng hóa.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả các mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản như: Phát huy việc điều tiết sản xuất theo tín hiệu thị trường, giảm bớt tính tự phát, gắn kết lợi ích và trách nhiệm của các bên tham gia đối với sự phát triển của chuỗi cung ứng và toàn ngành, đặc biệt là vai trò của hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trong việc nâng cao năng lực, có khả năng huy động nguồn lực từ các hoạt động liên kết. Thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia tích cực vào chuỗi xuất khẩu, từ đó giảm bớt gánh nặng và sự phụ thuộc vào Nhà nước, tạo ra môi trường năng động, minh bạch cho thị trường cung ứng nông sản xuất khẩu. Đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp, hội và hiệp hội là người tổ chức thực hiện, cơ quan nhà nước giữ vai trò xây dựng cơ chế, chính sách và hỗ trợ hoạt động, đặc biệt phát huy vai trò của các tham tán thương mại trong kết nối thị trường.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng xác định: Cần nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa nông sản, triển khai đề án thương hiệu gạo Việt Nam và xây dựng Chương trình phát triển nông sản chủ lực, đặc biệt chú trọng xây dựng mô hình và quy chế quản lý thương hiệu. Về vấn đề này, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam - Tiến sĩ (TS) Nguyễn Minh Châu cũng đưa ra giải pháp: Nên chọn một vài mặt hàng chủ lực của Việt Nam để bắt đầu xây dựng thương hiệu, qua đó tăng uy tín nông sản Việt. Có thể bắt đầu với những cây có thế mạnh của Việt Nam như gạo, cà phê, thanh long, rau…

ĐIỀU CHỈNH LẠI QUY HOẠCH

Theo Bộ NN&PTNT, Chính phủ đã có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được hưởng nhiều ưu đãi về đất đai, thuế và được hỗ trợ đầu tư về đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường, áp dụng khoa học công nghệ, được giảm tối đa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách tạo hành lang pháp lý phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cụ thể hóa các chính sách về đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.

Trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp dù đã, đang và tiếp tục triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm kiến tạo giá trị nông sản Việt, tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ - Giáo sư, Tiến sĩ (GS.TS) Võ Tòng Xuân vẫn băn khoăn: Việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp không phải đơn thuần là việc Nhà nước lo thực hiện, mà Nhà nước phải có vai trò chỉ đạo và quản lý các thành phần liên quan trong chuỗi tái cơ cấu. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích, và bộ máy nhà nước cần tạo điều kiện tốt nhất cho nhà doanh nghiệp có đầu ra liên kết chuỗi với nhà nông. Chuỗi tái cơ cấu nông nghiệp phải được hoạt động trên nền tảng pháp lý thuận lợi nhất cho các thành phần tham gia trong chuỗi, bắt đầu từ khâu quy hoạch cho đến khâu tiêu thụ. Mỗi chuỗi tái cơ cấu cần có địa chỉ rõ ràng - khí hậu, đất nuôi/trồng, nước tưới/sinh hoạt, điều kiện sản xuất, cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến, đóng gói bao bì, logistics đưa ra thị trường.

GS.TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh: Trách nhiệm của nhà doanh nghiệp rất lớn trong chuỗi. Doanh nghiệp phải năng nổ, hoạt bát, có kỹ năng quản trị kinh doanh cơ bản, chuyên sâu nghề nghiệp. Doanh nghiệp phải được Nhà nước ưu tiên tài trợ cho tu nghiệp, cho tham gia hội chợ triển lãm quốc tế để nắm bắt thị trường sản phẩm mình sắp sản xuất hoặc sẽ sản xuất, tiếp cận được với các khách hàng tương lai thuyết phục họ hợp đồng mua sản phẩm lâu dài. Nguyên liệu làm ra sản phẩm sẽ do nông dân thực hiện theo quy trình chuẩn mà khách hàng đòi hỏi. Máy móc thiết bị chế biến đạt tính hiệu quả cao. Không còn người làm ăn cá thể nữa, mà tầm cỡ phải là HTX nông nghiệp.

Trên cơ sở đó, GS.TS Võ Tòng Xuân đề xuất giải pháp: Việc tái cơ cấu nông nghiệp của Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng cần thực hiện theo trình tự sau đây: Nhà nước Trung ương và địa phương cần điều chỉnh lại quy hoạch, xem xét kỹ những vùng không thích hợp với cây lúa thì không nên cưỡng thiên nhiên, tiêu tốn ngân sách quá nhiều mà lợi ích cho nông dân không cao. Dự kiến một số cây, con có giá trị cao, thích nghi với các vùng đó để kêu gọi đầu tư. Chuẩn bị sẵn điều kiện cho nông dân trong các vùng quy hoạch mới đó có thể xây dựng HTX nông nghiệp sản xuất cụ thể những cây, con nói trên làm nguyên liệu gắn với nhà doanh nghiệp đầu tư cần nguyên liệu đó. Tích cực kêu gọi đầu tư, với những điều kiện ưu đãi (vốn vay nhẹ lãi, ân hạn đóng thuế, diện tích đất đai được bảo đảm theo dự án). Tiến hành cho thành lập một số HTX nông nghiệp kiểu mới, diện tích đất đủ lớn cho doanh nghiệp cần đầu tư.

GS.TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh: Phải sắp xếp lại đất đai của xã viên để khắc phục tình trạng manh mún. Cán bộ của HTX nông nghiệp phải được đào tạo nghiệp vụ cụ thể để có thể quản lý và kinh doanh hữu hiệu. Nhà máy chế biến, bảo quản nguyên liệu và thành phẩm sẽ được khởi công xây dựng khi dự án được phê duyệt và HTX nông nghiệp được bắt đầu thành lập. Doanh nghiệp tổ chức điều hành khu nông - công nghiệp phức hợp này. Có đủ chuyên viên và vật tư nông nghiệp hỗ trợ cho tất cả xã viên sản xuất đúng theo quy trình GAP từ khâu làm đất đến thu hoạch nguyên liệu. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp một phần chi phí xúc tiến thương mại tại các hội chợ trong nước và ngoài nước, giúp hàng hóa được tiêu thụ nhanh hơn.

NGUYÊN CHƯƠNG (Báo Ấp Bắc)