Kiến tạo giá trị nông sản thông qua chuỗi liên kết – tigifood
Giỏ hàng

Kiến tạo giá trị nông sản thông qua chuỗi liên kết

Trong Thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam ngày 11-4-1946, Bác Hồ viết: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh” cho thấy, Bác Hồ đã đúc kết một thực tế của nhân loại. Ngành Nông nghiệp nước ta đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, đó là mang lại cuộc sống ấm no cho hàng triệu đồng bào, góp phần rất lớn làm cho “nước ta thịnh” như Bác Hồ hằng mong mỏi. Để đưa ngành Nông nghiệp bước sang giai đoạn lịch sử mới, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp nhằm kiến tạo giá trị nông sản thông qua chuỗi liên kết. Từ chủ trương đúng đắn này đã đưa ngành Nông nghiệp tiến lên một nấc thang mới. Tuy nhiên, trong thời gian tới vẫn còn nhiều việc phải làm để giá trị nông sản của Việt Nam thật sự nâng cao về chất.

Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Huỳnh Văn Niềm và các cán bộ lãnh đạo lão thành cách mạng trong chuyến thị sát vùng Đồng Tháp Mười chuẩn bị thành lập huyện Tân Phước.                Ảnh: TƯ LIỆU
Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Huỳnh Văn Niềm và các cán bộ lãnh đạo lão thành cách mạng trong chuyến thị sát vùng Đồng Tháp Mười chuẩn bị thành lập huyện Tân Phước. Ảnh: TƯ LIỆU

Bài 1: Sứ mệnh mang tính lịch sử

Ngành Nông nghiệp có vai trò rất quan trọng đối với đất nước, với dân tộc. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng thường nói: Lương thực là Tổ quốc. Trên tinh thần đó, Đảng và Nhà nước đã không ngừng lãnh đạo, thực hiện nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng để ngành Nông nghiệp phát triển. Và thực tiễn cuộc sống đã chứng minh, ngành Nông nghiệp của Việt Nam đã không ngừng phát triển, nhất là từ sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975) đến nay, đưa Việt Nam từ một nước có nền nông nghiệp lạc hậu, thiếu lương thực trở thành nước có lượng trái cây và lúa - gạo xuất khẩu với số lượng lớn. Sứ mệnh mang tính lịch sử của ngành Nông nghiệp đã hoàn thành…

LƯƠNG THỰC THIẾU ĂN

Thế hệ sinh ra và trưởng thành sau những năm đất nước vừa mới được giải phóng (30-4-1975) như chúng tôi ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có lẽ mãi mãi không quên những năm tháng cái đói luôn giày vò, cào xé mỗi ngày, phải ăn cơm, cháo nấu độn với bất cứ thứ gì có thể cho vào được. Đặc biệt vào năm 1978, Tiền Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung phải hứng chịu trận lũ lụt lịch sử, mùa màng thất trắng, thiếu gạo ăn trầm trọng. Còn nhớ, anh em chúng tôi lúc đó bữa cơm bữa cháo nấu độn với khoai, chuối. Rồi đến khoai, chuối cũng không còn, chúng tôi phải ăn độn với cả rau trai, đọt khoai mì… Lúc ấy, cái thứ mà ai cũng ăn như một việc hiển nhiên sống là phải thế, vậy mà anh em chúng tôi thèm đến nỗi nằm mơ thấy mình được ăn cơm không có độn rau, khoai, chuối...

Nông dân xã Tam Hiệp  (huyện Châu Thành,  tỉnh Tiền Giang) ra quân  diệt rầy năm 1978. Ảnh: TL
Nông dân xã Tam Hiệp (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) ra quân diệt rầy năm 1978. Ảnh: TL

Dù đã ở bậc cao niên nhưng nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Huỳnh Văn Niềm (chú Ba Niềm) vẫn còn nhớ mãi về những năm tháng vùng ĐBSCL nói chung và Tiền Giang nói riêng vô cùng khó khăn sau những năm đầu giải phóng. Chú Ba Niềm cho biết, nền nông nghiệp của ĐBSCL sau năm 1975 bị tàn phá nặng nề do hậu quả của chiến tranh để lại. Lúc ấy đồng ruộng bị bom đạn cày xới, đất hoang hóa chiếm diện tích lớn, các công trình phục vụ nông nghiệp, đường giao thông bị tàn phá, thủy lợi nội đồng bị bồi lắng, nông dân không có vốn… nên việc khôi phục sản xuất gặp rất nhiều khó khăn.

Mùa gặt năm 1975, toàn tỉnh Tiền Giang thu hoạch được khoảng 300 ngàn tấn lúa. Với tinh thần phấn khởi, các gia đình nông dân hăng hái rời bỏ các khu gom dân trở về quê cũ, ra sức phục hóa, khai hoang phát triển sản xuất. Không may là các vụ mùa sau đó do giống thoái hóa, thiếu phân bón và thuốc trừ sâu nên bị thất bát. Vị lãnh đạo cấp cao của Đảng bỗng trầm ngâm một lúc rồi nói chậm rãi: Đặc biệt năm 1978, vùng ĐBSCL nói chung và Tiền Giang nói riêng phải hứng chịu trận lũ lụt lịch sử, vừa bị sâu rầy tấn công nên các vụ lúa bị tổn thất nặng nề. Trong lịch sử tỉnh Tiền Giang chưa từng bị nạn đói mà năm 1978 nhân dân bị thiếu đói, phải tha phương cầu thực ảnh hưởng lớn đến trật tự xã hội.

Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ - Giáo sư, Tiến sĩ (GS.TS) Võ Tòng Xuân nhớ lại: Năm 1978, cao độ rầy nâu đốt cháy rụi hàng trăm ngàn ha lúa IR26 và TN73-2, nông dân các tỉnh ĐBSCL, nhất là Tiền Giang, trở nên cơ cực, nhiều nhà bị phá sản vì tốn tiền mua thuốc diệt rầy mà không hiệu quả. Nhiều nông hộ không còn gạo, phải xắt chuối cây nấu ăn thay cơm. Hằng năm, các ghe nối đuôi nhau đến vùng U Minh, Sóc Trăng tìm mua gạo về ăn. 

Chú Ba Niềm tiếp tục đưa chúng tôi về lại giai đoạn lịch sử nhiều khó khăn trong những năm mới giải phóng: Quyết tâm vượt qua khó khăn, Đảng bộ và nhân dân Tiền Giang tập trung mọi nguồn lực, cố gắng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa - nguồn lương thực chủ yếu của đất nước ta. Từ đó, Tiền Giang đã tạo được những mốc son thắng lợi, đó là kế hoạch tăng vụ vùng lúa nổi (năm 1978 - 1979), Chương trình lúa năng suất cao (năm 1981 trở về sau), hợp tác hóa nông nghiệp.

Từ thập niên 90 của thế kỷ XX, tỉnh Tiền Giang thực hiện 3 chương trình lớn: Một là tiếp tục Chương trình lúa năng suất cao, hai là Chương trình Ngọt hóa Gò Công, ba là Chương trình Khai hoang Đồng Tháp Mười. Các chương trình trên đã thực hiện với sự tập trung rất cao, đã làm thay đổi diện mạo của đồng ruộng và năng suất, chất lượng lúa. Nền nông nghiệp của tỉnh Tiền Giang đi vào ổn định, đảm bảo nhu cầu lương thực toàn tỉnh.

HOÀN THÀNH SỨ MỆNH LỊCH SỬ

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều chương trình, cộng với việc đưa giống lúa ngắn ngày vào sản xuất nên Tiền Giang là tỉnh đi đầu trong khu vực ĐBSCL có sản lượng lương thực đạt cao. Chú Ba Niềm còn nhớ như in, đến thời điểm năm 1978, vùng Đồng Tháp Mười (phía Bắc Quốc lộ 1, thuộc một phần của các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước và TX. Cai Lậy thuộc tỉnh Tiền Giang ngày nay) chỉ làm được 1 vụ lúa/năm, năng suất thấp.

Tỉnh ủy Tiền Giang quyết tâm thực hiện cuộc “cách mạng” khai hoang, ngọt hóa, cải tạo vùng đất Đồng Tháp Mười và vùng đất Gò Công bằng cuộc hành trình “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa, đào kinh dẫn nước, đắp đê ngăn mặn, xây cống xả phèn”… buộc vùng đất cằn cỗi Gò Công và vùng “rốn lũ rốn phèn” Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Tiền Giang phải hồi sinh. Từ đó mở ra chiến dịch thâm canh tăng vụ, từ mỗi năm sản xuất 1 vụ lúa năng suất thấp tăng lên 2 vụ, rồi 3 vụ năng suất cao, đưa Tiền Giang trở thành tỉnh dẫn đầu trong cả nước về lượng lương thực đóng góp cho quốc gia. Trong thời điểm này, các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau… dù diện tích đất nông nghiệp lớn hơn Tiền Giang nhiều, nhưng do sản xuất lúa chỉ được 1 vụ/năm nên lượng lương thực đóng góp cho quốc gia không bằng của Tiền Giang.

Đến năm 1990, lần đầu tiên sản lượng lúa của Tiền Giang vượt ngưỡng 1 triệu tấn/năm và đã có 61.000 tấn xuất khẩu. Những năm sau đó, sản lượng lương thực của Tiền Giang liên tục vượt ngưỡng 1 triệu tấn/năm và đến năm 2005 đạt 1,3 triệu tấn/năm, xuất khẩu trên 300 ngàn tấn gạo.

Nhìn lại chặng đường sau những năm mới giải phóng, GS.TS. Võ Tòng Xuân cho biết thêm: Sau ngày giải phóng, Bộ Nông nghiệp từ Hà Nội chưa bao quát được miền Nam, nên Trường Đại học Cần Thơ bấy giờ với hơn 2.000 sinh viên (ngành Nông nghiệp có hơn 300) cùng Trường Trung học Nông nghiệp Long Định (nay là Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam bộ) đã tự lãnh trách nhiệm chuyển giao nhanh khoa học công nghệ lúa cao sản cho nông dân các tỉnh, nổi bật nhất là giống lúa kháng rầy nâu.

Cán bộ các tỉnh tích cực tham gia đưa giống lúa mới giúp nông dân thay thế lúa mùa dài ngày và sản lượng rất thấp. Mặt khác, Bộ Nông nghiệp lo huy động nhân dân đi làm thủy lợi phục vụ lúa cao sản. Trước ngày giải phóng, phân bón cho lúa khắp miền Bắc là bèo hoa dâu, rất được quốc tế ca ngợi, nhưng phong trào này bị thay thế hoàn toàn sau ngày giải phóng vì phân bón hóa học (urê) được viện trợ. Với phân hóa học, sản lượng lúa cao sản tăng nhanh kèm theo sâu rầy xâm nhập nhiều.

Rất may, lúc đó Trường Đại học Cần Thơ hợp tác với Viện Lúa Quốc tế đóng tại Philippines, chọn ra giống lúa IR36 (Bộ Nông nghiệp công nhận đặt tên NN3A) kháng rầy nâu, kịp nhân giống nhanh cho khoảng 2.000 sinh viên đem lúa giống xuống các cánh đồng bị cháy rầy để hướng dẫn cho nông dân tiếp tục nhân nhanh hạt giống cho nông dân trồng.

Thế là đại nạn rầy nâu bị tiêu diệt, lại đến phong trào hợp tác hóa được áp dụng rầm rộ khiến nông dân khắp ĐBSCL bỏ ruộng để Nhà nước canh tác (nông dân gọi là “vô mà không ra”, tức là vô hợp tác xã mà không ra đồng. Trung ương Đảng cho cải tiến chính sách hợp tác hóa, bắt đầu từ năm 1981 áp dụng chính sách “Khoán 100” cho phù hợp lòng dân. Sản lượng lúa bắt đầu tăng mạnh trong 2 năm tiếp đó, rồi chựng lại vì “Khoán 100” bị cán bộ địa phương lạm dụng, ruộng khoán không ổn định mà cứ bị đổi sau mỗi vụ lúa.

Trung ương Đảng thay “Khoán 100” bằng “Khoán 10”, ruộng khoán được ổn định lâu dài, giá vật tư nông nghiệp và giá lúa được thống nhất một giá giữa cửa hàng quốc doanh và cửa hàng tự do. Lần này, sản lượng lúa ĐBSCL tăng vọt khoảng 1 triệu tấn/năm. Đến sau vụ đông xuân 1988 -1989, lúa thu hoạch quá nhiều, cơ quan Thuế và cửa hàng thu mua lúa của Nhà nước không còn chỗ chứa lúa, nhà nông dân cũng không chỗ chứa, ai cũng muốn giữ lấy tiền thay vì giữ lúa như thời bao cấp. Kỳ họp tháng 6-1989 Quốc hội thảo luận, yêu cầu Chính phủ cho mở cửa thị trường xuất khẩu gạo của ĐBSCL sau 20 năm tạm đóng cửa (từ năm 1968).

Nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam - TS. Nguyễn Minh Châu chia sẻ thêm: Ngành Nông nghiệp đã có sự phát triển thần kỳ, đưa đất nước từ thiếu gạo trong thập niên 70, 80 của thế kỷ XX phải ăn độn gạo với bo bo, vậy mà đến năm 1989 Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu gạo. Còn trái cây, từ xuất khẩu chuối, khóm hộp... trong những thập niên 70, 80 của thế kỷ XX, thì nay Việt Nam đã xuất nhiều loại trái cây tươi sang rất nhiều nước “khó tính”. Ngành Nông nghiệp Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, đạt được những thành tựu to lớn, đó là sản xuất lương thực, thực phẩm đủ cho ổn định an sinh xã hội của một đất nước kinh qua nhiều cuộc chiến tranh thảm khốc, và dư cho xuất khẩu đến những quốc gia còn thiếu ăn.

NGUYÊN CHƯƠNG (Báo Ấp Bắc)

(Còn tiếp)