Hoàn thành mục tiêu xuất khẩu năm 2019: Theo dõi sát diễn biến để chủ – tigifood
Giỏ hàng

Hoàn thành mục tiêu xuất khẩu năm 2019: Theo dõi sát diễn biến để chủ động điều hành

Tin vui mới cho hoạt động xuất nhập khẩu là con số xuất siêu sau 10 tháng đạt mức kỷ lục với 9,01 tỷ USD, nâng mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sau 10 tháng lên 8,3%, đạt mục tiêu đề ra (tăng 7 - 8%). Con số này được kỳ vọng sẽ giúp mục tiêu cuối năm nay sớm thành hiện thực.

Ấn tượng nhiều chỉ tiêu

Con số mới nhất các cơ quan thống kê đưa ra là tính đến hết tháng 10/2019, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 218,82 tỷ USD, tăng 8,3%, tương ứng tăng 16,7 tỷ USD so với 10 tháng năm 2018. Với kết quả này, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam hiện vượt mục tiêu tăng trưởng 7-8% đề ra.

 

hoan thanh muc tieu xuat khau nam 2019 theo doi sat dien bien de chu dong dieu hanh
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tăng trưởng kim ngạch

Trước đó, kế hoạch của Bộ Công Thương đưa ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 261 - 262 tỷ USD, tăng khoảng 7-7,5% so với năm 2018. Mục tiêu này được đánh giá là tương đối khó khăn bởi những diễn biến phức tạp về thiên tai, dịch bệnh… đặc biệt là những vấn đề về thương mại và thị trường như: Chiến tranh thương mại, gian lận thương mại, rào cản thương mại, xuất xứ hàng hóa... Như vậy, nếu muốn đạt được mục tiêu này thì những tháng còn lại cần xuất được 23,2 - 23,4 tỷ USD - con số này vẫn được xem là tương đối cao trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Hiện tại, nhiều mặt hàng của Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc đã bị giảm kim ngạch như gạo, cá đông lạnh, cao su thiên nhiên, xơ sợi, máy vi tính và linh kiện, thủy tinh, giấy, nhựa, sắt thép, kim loại thường… Nhiều mặt hàng chủ lực như điện thoại, thủy sản, rau, quả… cũng đang bị giảm kim ngạch.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tích cực, bức tranh xuất khẩu cũng đang có một số tín hiệu sáng. Cụ thể, tăng trưởng xuất khẩu đang tăng dần sau mỗi quý, sau khi đạt mức tăng trưởng 5,3% và 7,2% trong quý I và quý II/2019, sang quý III tình hình xuất khẩu đã có sự cải thiện, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng năm 2019 tăng đến 8,3% so với cùng năm 2018. Mức tăng trưởng này cơ bản đã bám sát chỉ tiêu đặt ra của Quốc hội là đưa tăng trưởng xuất khẩu tăng 7%- 8% trong năm nay, cho thấy nỗ lực rất lớn trong việc khai thác thị trường, thúc đẩy xuất khẩu và là xu hướng tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm.

Chưa kể, theo chu kỳ, xuất khẩu các mặt hàng như: Dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, nông, thủy sản… thường ở mức cao trong giai đoạn cuối năm do nhu cầu hàng hóa phục vụ các ngày lễ, tết tăng cao. Việt Nam cũng được đánh giá đang tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng xuất khẩu. Đặc biệt, trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 được công bố gần đây, Việt Nam tăng 10 bậc và lên thứ hạng 67, vượt trước một quốc gia lớn. Điều này cho thấy nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh của nước ta đang tiếp tục đi đúng hướng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tăng trưởng kim ngạch.

Tăng cường dự báo, cảnh báo

Đặt mục tiêu, quyết tâm không điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát biến động của tình hình thế giới, đặc biệt là diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để chủ động trong công tác điều hành xuất nhập khẩu. Đồng thời có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội để xuất khẩu và tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa. Bộ cũng tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; phối hợp đầy đủ, tích cực với cơ quan điều tra của các nước, đồng thời khẳng định sự nỗ lực cũng như quan điểm sẵn sàng hợp tác với các nước có liên quan (nhất là Mỹ) trong lĩnh vực phòng, chống gian lận xuất xứ hàng hóa...

Đặc biệt quan tâm đến vấn đề gian lận xuất xứ, ông Phạm Tất Thắng - Nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) - nhấn mạnh, các FTA đã và đang mang lại cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu. Song cũng đặt doanh nghiệp trước nguy cơ bị gian lận xuất xứ hàng hóa. Do đó, doanh nghiệp, hiệp hội cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nhằm chặn đứng nguy cơ gian lận xuất xứ, ảnh hưởng đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Hiện có 31/45 mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2018; trong đó 28 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 90,96% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Phương Lan (Công Thương)