Hai phương án sản xuất lúa cho Đồng bằng sông Cửu Long – tigifood
Giỏ hàng

Hai phương án sản xuất lúa cho Đồng bằng sông Cửu Long

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được triển khai theo 2 phương án.

Phương án 1 là theo kế hoạch ban đầu, diện tích sản xuất lúa Thu Đông 2019 các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là 750 nghìn ha, tăng 9,38 nghìn ha so với Thu Đông 2018; năng suất ước đạt 54,27 tạ/ha; sản lượng ước đạt 4.070 nghìn tấn, tăng 129 nghìn tấn so với Thu Đông 2018.

Phương án 2 là do lúa Đông Xuân giá thấp và tiêu thụ chậm, vụ Hè Thu đang vào mùa thu hoạch chính vụ nhưng giá lúa thấp và tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn; đồng thời một số vùng do mưa trễ nên vụ Hè Thu xuống giống muộn nên ảnh hưởng đến gieo trồng các mùa vụ sau, do đó, địa phương chuyển đổi một số diện tích đất lúa sang cây trồng cạn có thời gian sinh trưởng ngắn hơn và có hiệu quả kinh tế hơn so với sản xuất lúa hiện nay.

Theo nhận định của đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, hiện tại các kết quả dự báo mới nhất về hiện tượng ENSO của một số trung tâm dự báo khí hậu lớn trên thế giới cho thấy, nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO3.4 ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm và đang có xu hướng giảm dần. 

Dự báo ENSO từ tháng 7 đến tháng 9 có cường độ yếu với xác suất khoảng 66%, những tháng cuối năm, từ tháng 10 đến tháng 12 xu hướng nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO 3.4 giảm thêm và còn khả năng El Nino với xác suất từ 52 - 58% hoặc những tháng cuối năm trở về trạng thái trung tính.

Tình hình thời tiết, thủy văn năm 2019 còn diễn biến phức tạp, cần chủ động đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn trong thời đoạn ngắn; dông, tố, lốc, sét, mưa đá, lũ... ảnh hưởng đến khu vực trong các tháng cuối mùa mưa. Thời kỳ kết thúc mùa mưa có khả năng xấp xỉ hoặc sớm hơn trung bình nhiều năm, khoảng từ ngày 1 - 10/11.

Trước những dự báo về mưa, lũ có thể diễn biến phức tạp, quan điểm chỉ đạo là ưu tiên sản xuất vụ Thu Đông ở những vùng an toàn đối với lũ. Khi bố trí sản xuất lúa cho vùng ngập sâu khu vực Đồng Tháp mười và Tứ giác Long Xuyên hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra bằng những giải pháp đồng bộ về thời vụ, cơ cấu giống, hệ thống công trình đê bao, cống đập, thu hoạch, vận chuyển, phơi sấy...

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế của từng tỉnh và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có thị trường và hiệu quả hơn (cây ăn quả, các loại rau, hoa, cây dược liệu) và chuyển sang nuôi trồng thủy sản, nâng cao hiệu quả và ổn định sản xuất.

Đồng thời, quản lý, khuyến cáo và hướng dẫn sử dụng giống lúa thơm, lúa chất lượng cao thích hợp cho từng cùng sinh thái, thực hiện các quy trình thâm canh tốt để giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và đáp ứng cho các thị trường nhập khẩu có yêu cầu cao để tăng giá trị và khả năng cạnh tranh của từng loại cây trồng. Theo dõi và thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, thông tin thị trường để kịp thời điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất (thời vụ gieo trồng, cơ cấu và diện tích cây trồng), đảm bảo hạn chế tối đa thiệt hại do diễn biến bất thường của thời tiết, mưa lũ, lốc dông.

Tiếp tục theo dõi, tính toán cân đối nguồn nước, dự báo tình hình lũ, ngập úng cục bộ, quản lý chặt chẽ không để gieo trồng ngoài kế hoạch ở những khu vực nguồn nước không bảo đảm hoặc không an toàn cho sản xuất. Lưu ý việc xuống giống tập trung trong từng vùng từng cánh đồng theo dự báo rầy nâu di trú của cơ quan bảo vệ thực vật vùng và cơ quan bảo vệ thực vật địa phương.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, diện tích sản xuất lúa Thu Đông 2019 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã đề nghị điều chỉnh là 700 nghìn ha, giảm khoảng 40,62 nghìn ha so với vụ Thu Đông 2018. Diện tích giảm do sẽ thực hiện xã lũ khoảng 30 nghìn ha và chuyển đổi khoảng 10 nghìn ha sang cây trồng cây khác và nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn. Năng suất ước đạt 54,35 tạ/ha, tăng 1,13 tạ/ha; sản lượng ước đạt 3.804 nghìn tấn, giảm 137 nghìn tấn so với vụ Thu Đông 2018.

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, vụ Thu Đông tỉnh dự kiến xuống giống 37.000 ha. Tuy nhiên, tỉnh khuyến khích các địa phương có đê bao khép kín sẽ chỉ đạo xuống giống vượt kế hoạch đề ra khoảng 2.000 ha. Điều này nhằm bù đắp lại những thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi, đồng thời Hậu Giang có vùng đê bao khép kín gần 50.000 ha nên đảm bảo chủ động sản xuất lúa vụ trước mưa lũ.

Ngành nông nghiệp Hậu Giang cũng khuyến cáo người dân xuống giống vụ lúa Thu Đông ở những khu vực có đê bao khép kín triệt để và có trạm bơm. Ở những khu vực đê bao không đảm bảo thì không xuống giống lúa Thu Đông. Lịch xuống giống lúa Thu Đông 2019 tại Hậu Giang chia thành 3 đợt. Đợt 1 sẽ xuống giống từ ngày 24/6 đến 30/6/2019 đối với những vùng có diện tích thu hoạch lúa Hè Thu sớm tại huyện Châu Thành A và huyện Vị Thủy. Đợt 2 từ ngày 22/7 đến 28/7/2019 và đợt 3 từ ngày 20/8 đến ngày 26/8/2019 đối với các địa phương còn lại.

Hậu Giang đang gặp một số khó khăn trong thực hiện lúa vụ Thu Đông. Đó là nhiều nông dân địa phương vẫn thực hiện xuống giống lúa theo tập quán, tỷ lệ nông dân trên địa bàn áp dụng lịch xuống giống ngành nông nghiệp đưa ra còn giới hạn… Cùng với đó, vì giá lúa vụ Hè Thu 2019 này đang ở mức thấp, nông dân sẽ không mặn mà với vụ lúa Thu Đông sắp tới.

Duy Ba (TTXVN)