Cấp thêm 47 Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo – tigifood
Giỏ hàng

Cấp thêm 47 Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

Bộ Công Thương đã cấp thêm 47 Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, nâng con số thương nhân xuất khẩu gạo lên 182 thương nhân.

Bộ Công Thương đã cấp thêm 47 Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, nâng con số thương nhân xuất khẩu gạo lên 182 thương nhân.
Bộ Công Thương đã cấp thêm 47 Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, nâng con số thương nhân xuất khẩu gạo lên 182 thương nhân

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa có đánh giá về đội ngũ thương nhân sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Thực tiễn sau hơn 1 năm thực thi Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, có hiệu lực từ ngày 01/10/2018, thay thế cho Nghị định số 109/2010/NĐ-CP. Ngày 01/10/2018, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 30/2018/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.

Với những cải cách, tư duy mới, Bộ Công Thương đã cấp thêm 47 Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, nâng con số thương nhân xuất khẩu gạo lên 182 thương nhân.

Các thương nhân xuất khẩu gạo của Việt Nam đã và đang tiếp tục góp phần đưa những “hạt ngọc trời” của Việt Nam với chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đến hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Mặc dù, trong những năm gần đây, khi nhiều nước nhập khẩu gạo đã có những sự thay đổi sâu sắc về chính sách đối với mặt hàng lúa gạo theo hướng thị trường thuộc về người mua, trong hoạt động điều hành xuất khẩu gạo, đối với các đợt thầu G2P, chủ trương của Bộ Công Thương là cho phép tất cả các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo được tham gia và kịp thời công bố thông tin về các đợt đấu thầu của các nước trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua Hiệp hội Lương thực Việt Nam tới các thương nhân.

Trong bối cảnh rủi ro thị trường cao, song song với việc thông tin về các đợt đấu thầu, Bộ Công Thương cũng luôn chủ động cung cấp thêm thông tin về tình hình cung cầu gạo trong nước và thế giới, cảnh báo tới các thương nhân để các thương nhân có quyết định bỏ thầu đúng đắn, bảo đảm hiệu quả xuất khẩu gạo và uy tín xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Đối với công tác xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã chủ trương đa dạng hóa, đổi mới các hình thức xúc tiến thương mại mặt hàng gạo, chú trọng các thị trường trọng điểm, truyền thống, mới, tiềm năng và theo từng chủng loại gạo đặc thù, góp phần giúp các thương nhân Việt Nam tìm kiếm, xây dựng quan hệ giao thương bền vững với các đối tác nước ngoài có uy tín, đảm bảo hoạt động kinh doanh ổn định, mang tính lâu dài.

Về lâu dài, tái cơ cấu sản xuất lúa gạo cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác của nước ta cần phải đi theo hướng lấy tín hiệu thị trường để định đướng quy hoạch và tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu là biện pháp giúp ổn định được hoạt động tiêu thụ với giá có lợi cho người nông dân, nâng cao thu nhập của người nông dân.

Tuy gặp khó khăn ở khu vực châu Á trong năm 2019, gạo Việt Nam đã đẩy mạnh được các thị trường khu vực châu Phi, châu Âu, châu Mỹ, góp phần giảm bớt lượng suy giảm từ thị trường truyền thống là châu Á.

Dù vậy, năm qua, ngành gạo trong nước đã có một năm sụt giảm mạnh, hụt hơi 300 triệu USD so với năm 2018. Cụ thể, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 6,259 triệu tấn, chỉ thu về 2,758 tỷ USD, trong khi năm 2018 xuất khẩu 6,1 triệu tấn, nhưng mang về 3,060 tỷ USD.

Giá gạo xuất khẩu trong năm nay đã tụt dốc rất mạnh so với năm 2018 và là nguyên nhân chính khiến giá trị đem về bị hụt hơi. Giá xuất khẩu trong 11 tháng 2019 đã giảm 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 439,3 USD/tấn.

Thế Hoàng (Báo Đầu Tư)