Bộ Công Thương: Nỗ lực chuyển hướng cho hoạt động xuất khẩu nông sản – tigifood
Giỏ hàng

Bộ Công Thương: Nỗ lực chuyển hướng cho hoạt động xuất khẩu nông sản

Dịch bệnh Covid-19 đã khiến xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương có liên quan, để định hướng thay đổi phương thức xuất khẩu và tìm thị trường mới cho các mặt hàng nông sản Việt Nam.    

Xuất khẩu nông sản của Việt Nam qua các cửa khẩu phụ tại các tỉnh biên giới phía Bắc bị gián đoạn do Trung Quốc phong tỏa trao đổi hàng hóa biên mậu theo hình thức cư dân biên giới để dập dịch Covid-19. Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương đã đưa ra các biện pháp tháo gỡ kịp thời, song nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc hiện nay vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Tại Lạng Sơn, đầu mối xuất khẩu nông sản trọng điểm sang Trung Quốc, lãnh đạo tỉnh này cho biết, 2 tháng đầu năm 2020, xuất nhập khẩu đã giảm 58% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó xuất khẩu giảm mạnh trên 40%, thậm chí xuất khẩu nông sản trong tháng 2 giảm sâu hơn do Trung Quốc phong tỏa trao đổi hàng hóa biên mậu từ ngày 31/1/2020.

bo cong thuong no luc chuyen huong cho hoat dong xuat khau nong san
Đoàn công tác của Bộ Công Thương kiểm tra tình hình xuất khẩu hàng hóa ở Lạng Sơn

Đại diện Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, mặc dù hoạt động xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) đã trở lại bình thường, nhưng tiến độ thông quan chưa được cải thiện nhiều do hai bên vẫn tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh và lực lượng bốc xếp của phía Trung Quốc còn mỏng, lượng xe vận chuyển hàng hóa cả xuất và nhập khẩu thông quan qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị hiện chỉ còn tương đương khoảng 40% so với trước thời điểm dịch bệnh.

Để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản, đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid-19 nhưng không gây ảnh hưởng quá mức đến sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, trên cơ sở kiến nghị của Bộ Công Thương, Thủ tướng đã cho phép tiếp tục xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu phụ Tân Thanh và Cốc Nam (Lạng Sơn) và lối mở Km3+4 (Móng Cái, Quảng Ninh) theo quy định của pháp luật, trên nguyên tắc bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt dịch bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, hiện phía Trung Quốc mới chỉ mở lại thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu một phần qua Cửa khẩu Tân Thanh áp dụng chính sách tiểu ngạch biên giới có hợp đồng giao nhận hàng hóa, hình thức trao đổi cư dân biên giới chưa mở lại, nên xuất khẩu nông sản qua Lạng Sơn vẫn gặp rất nhiều khó khăn do hình thức trao đổi cư dân tại các chợ biên giới vẫn là phương thức xuất khẩu chủ yếu đối với một số chủng loại nông sản của Việt Nam, trong đó có nhiều loại trái cây tươi (thanh long, dưa hấu, mít, xoài...). Trong khi đó, khối lượng hàng hóa nông sản, trái cây các doanh nghiệp vận chuyển lên biên giới phía Bắc để xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn ngày càng tăng.

Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương tìm hướng đi mới cho xuất khẩu nông sản Việt Nam. Trong đó, khuyến nghị người nông dân điều tiết sản lượng, ít nhất là không sử dụng các cách thức để gia tăng sản lượng vào thời hiện tại để tránh dư nguồn cung lớn, xem xét chuyển sang sản xuất các loại nông sản dễ tiêu thụ hơn. Khuyến nghị các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan theo dõi sát tình hình tại khu vực cửa khẩu biên giới, hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới khi tình hình thông quan hàng hóa còn khó khăn do dịch Covid-19 tác động, trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch, hoặc đối tác phía Trung Quốc có khả năng nhận hàng.

bo cong thuong no luc chuyen huong cho hoat dong xuat khau nong san
Xuất khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn

Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chủ động liên hệ, đàm phán với đối tác phía Trung Quốc để chuyển đổi từ xuất khẩu tiểu ngạch sang hình thức xuất khẩu chính ngạch, chủ động áp dụng các biện pháp dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ đầy đủ các qui định về kiểm dịch, mẫu mã, bao bì... Vì đây là phương thức xuất khẩu văn minh, hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế trong bối cảnh hội nhập và đảm bảo được tính ổn định, lâu dài.

Để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến xuất khẩu nông sản nói riêng và xuất khẩu hàng hóa nói chung, đồng thời để có cơ sở điều hành kịp thời, hiệu quả hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp, trao đổi với các địa phương và các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tiến hành rà soát, thống kê cụ thể sản lượng từng loại nông sản, trái cây đã, đang và sắp thu hoạch, tiêu chuẩn chất lượng, năng lực cạnh tranh của các loại hàng hóa nêu trên để đánh giá khả năng và xây dựng kế hoạch chuyển hướng thị trường tiêu thụ bên cạnh việc khai thác thị trường Trung Quốc.

Bộ Công Thương cho biết, đã chỉ đạo hệ thống Thương vụ, chi nhánh Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tham gia tìm kiếm, giới thiệu khách hàng mới cho các mặt hàng nông sản, trái cây… của Việt Nam. Đồng thời, chỉ đạo các phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực tại các địa phương, ưu tiên giải quyết thủ tục cấp “Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi” cho các lô hàng xuất khẩu chính ngạch. Khuyến nghị các nhà sản xuất, xuất khẩu… phải chủ động nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, trái cây, triển khai tốt các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, quy cách đóng gói (bao bì, nhãn mác) và các yêu cầu có liên quan khác nhằm đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn hàng hóa đã thỏa thuận với các nước nhập khẩu, qua đó tạo thuận lợi cho các bộ, ngành liên quan thực hiện công tác tìm kiếm, mở thị trường, chuyển hướng xuất khẩu nông sản một cách hiệu quả, kịp thời, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc./.

Ngọc Quỳnh (congthuong.vn)