Xây dựng Cánh đồng lớn kiểu mẫu – tigifood
Giỏ hàng

Xây dựng Cánh đồng lớn kiểu mẫu

Từ nay đến năm 2020, tỉnh Tiền Giang sẽ hình thành nên vùng sản xuất lúa theo phương án Cánh đồng lớn (CĐL) kiểu mẫu. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt cho Công ty Lương thực Tiền Giang thực hiện mô hình này giai đoạn 2015 - 2020.

66.200 ha lúa theo mô hình CĐL

Giai đoạn năm 2015 - 2020, tổng diện tích CĐL mà UBND tỉnh phê duyệt cho Công ty Lương thực Tiền Giang thực hiện là 66.200 ha, sản lượng khoảng 400 ngàn tấn; địa bàn triển khai trên 55 xã thuộc các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành, Gò Công Tây, Gò Công Đông, TX. Cai Lậy và TX. Gò Công.

Kinh phí thực hiện khoảng 560 tỷ đồng từ vốn công ty, vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ và vốn hợp pháp khác. Xây dựng CĐL thông qua việc đầu tư ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ lúa với 2 dòng sản phẩm gạo trắng thông dụng và gạo thơm, đặc sản chất lượng cao.

Thu hoạch lúa trong mô hình CĐL.
Thu hoạch lúa trong mô hình CĐL.

Theo ông Nguyễn Quốc Trực, Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang, công ty sẽ thực hiện mỗi năm 2 vụ là đông xuân và 1 vụ còn lại trong năm tùy theo địa bàn. Đầu tư theo 3 phương thức: Hợp đồng sản xuất có đầu tư đồng bộ đầu vào; hợp đồng sản xuất đầu tư một phần lúa giống xác nhận hoặc vật tư nông nghiệp để tạo ra sản phẩm gạo thơm, đặc sản, nếp chất lượng tương đối, đảm bảo độ thuần hạt gạo; hợp đồng sản xuất và tiêu thụ lúa (không đầu tư giống, vật tư nông nghiệp) để tạo ra sản phẩm gạo trắng thông dụng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường.

Với phương thức đã được xây dựng, mô hình CĐL mà công ty xây dựng sẽ dần hình thành chuỗi giá trị lúa gạo, góp phần thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Hỗ trợ nông dân sản xuất nhỏ liên kết nhau lại, hình thành kinh tế hợp tác để nâng cao năng lực cạnh tranh của nông dân sản xuất nhỏ.

Nông dân tham gia được tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và công nghệ, áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm”; ứng dụng công nghệ sinh học trong canh tác và quản lý dịch hại; 100% diện tích sử dụng giống cấp xác nhận, giảm giá thành sản xuất 10%, giảm thất thoát sau thu hoạch còn 7%, tăng thu nhập từ 10 - 15%.

CĐL sẽ gắn sản xuất lúa gạo với chế biến và tiêu thụ, gắn sản xuất với thị trường; tạo điều kiện ứng dụng được quy trình sản xuất tiên tiến, tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Tạo điều kiện cho nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Phương án xây dựng CĐL trên cây lúa được rất nhiều lãnh đạo và nông dân đồng tình, nhưng để mô hình này thành công và trở thành kiểu mẫu thì đơn vị thực hiện là Công ty Lương thực Tiền Giang rất cần sự hỗ trợ từ các cấp, cũng như sự chung tay của người dân. 

Còn nhiều vấn đề đặt ra 

Việc xây dựng phương án CĐL cũng khiến cho Công ty Lương thực Tiền Giang lo lắng nhiều vấn đề như: Việc sản xuất của những hộ nông dân còn gặp nhiều khó khăn do phải mua vật tư nông nghiệp trả chậm của các đại lý tại địa phương. Do đó, khi nông dân tham gia CĐL, họ dễ bị áp lực từ các đại lý này tác động nên chưa yên tâm tham gia mô hình. Có một vài nơi, nông dân yêu cầu công ty phải đặt cọc như hàng xáo thì mới tham gia sản xuất CĐL.

Sự bất cập về quản lý đối với một số tổ chức đại diện cho nông dân, nhất là trong khâu quản lý sản xuất, thống nhất thời gian gieo sạ, cũng như thu hoạch; còn để tự ý nông dân thực hiện sao cũng được, để thương lái vào chọn mua những thửa ruộng tốt, còn những thửa ruộng kém chất lượng thì bán cho công ty theo hợp đồng mà hợp tác xã, tổ hợp tác không can thiệp.

Để mô hình CĐL xây dựng thành công, ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho rằng, công ty cần phối hợp với Sở NN-PTNT để điều tiết lịch gieo sạ, thời gian thu hoạch phù hợp với tiến độ thu mua của công ty.

Phải xem CĐL là một mắc xích quan trọng trong chuỗi sản xuất của công ty, bao tiêu sản phẩm ít nhất 2 vụ trong năm. Về phía Sở NN-PTNT sẽ chỉ đạo các đơn vị trong ngành theo chức năng, nhiệm vụ để hỗ trợ công ty thực hiện tốt phương án CĐL; theo dõi tình hình ký hợp đồng, quá trình thu mua và các phương án phá vỡ hợp đồng…

Đặt ra rất nhiều vấn đề mà Công ty Lương thực Tiền Giang trong quá trình thực hiện có thể vấp phải, ông Lê Minh Trượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam yêu cầu công ty cũng nên xem xét cụ thể để có biện pháp giải quyết từng vấn đề trong quá trình thực hiện như: Thương lái mua giá cao hơn thì giải quyết như thế nào? Giá thị trường là giá như thế nào? Dựa vào cơ sở nào? Nếu dựa vào định hướng của Sở Tài chính thường là chậm và chưa có thực tế? Về chủng loại giống lúa cũng nên xem xét lại với xu thế thị trường để có thể đặt hàng đầu tư sản xuất cho phù hợp.

Để thực hiện phương án CĐL, Công ty Lương thực Tiền Giang còn mời các đối tác tiêu biểu cung ứng đầu vào và hướng dẫn quy trình canh tác cho nông dân như: Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH Hóa nông Hợp Trí, Công ty cổ phần Khử trùng Việt Nam (VFC), Công ty TNHH Bayer Việt Nam, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Công ty Giống cây trồng miền Nam, Công ty cổ phần Giống và Dịch vụ nông nghiệp Cửu Long…

Ngoài ra, các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hoặc tổ hợp tác sản xuất tại các xã thuộc các huyện, thị trong tỉnh cũng tham gia.

Ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành xây dựng CĐL cho biết, Công ty Lương thực Tiền Giang là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh đã lập và phê duyệt phương án CĐL để khuyến khích, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.

Trong thời gian tới, Công ty Lương thực Tiền Giang cần phối hợp với Ban điều hành và các huyện, thị xã tổ chức triển khai và thực hiện ký kết hợp đồng liên kết với tất cả các đối tượng có liên quan trong phương án được phê duyệt.

Xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm, trong đó hợp đồng ký kết với nông dân bền vững ít nhất là 2 vụ trong năm và suốt thời gian phương án được duyệt; thực hiện theo phương án cung ứng vật tư đầu vào và mua hết sản phẩm đầu ra cho nông dân.

Phối hợp với Sở NN-PTNT, các công ty cung ứng đầu vào cử cán bộ kỹ thuật xuống đồng ruộng để chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Liên kết ngang các doanh nghiệp cung ứng đầu vào để thực hiện việc cung ứng giống, vật tư đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý, phù hợp với quy trình kỹ thuật sản xuất; liên kết với lực lượng thương lái để mua lúa cho nông dân kịp thời, tránh cạnh tranh không lành mạnh.

Ký kết hợp đồng với tổ chức đại diện nông dân để triển khai phương án được hiệu quả nhất, đảm bảo sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, cũng như chất lượng của các sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng…

Phương án CĐL đã được xây dựng rất chi tiết. Vấn đề thực hiện như thế nào và thành công ra sao thì còn phải chờ trong thời gian tới.

SĨ NGUYÊN/BAOAPBAC.VN