Xuất khẩu gạo vào EU có thể tăng gấp 4 lần – tigifood
Giỏ hàng

Xuất khẩu gạo vào EU có thể tăng gấp 4 lần

Với việc ký kết EVFTA, gạo Việt có cơ hội tăng tốc xuất khẩu vào thị trường EU trong thời gian tới. Trong hình là kho gạo chuẩn bị cho xuất khẩu của một doanh nghiệp ở Đồng Tháp. Ảnh: Trần Mạnh


Hội nghị với chủ đề "Các cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và những điều cần lưu ý" do Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT, nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp những thông tin về cơ hội và thách thức trong tận dụng việc giảm thuế để xuất khẩu vào thị trường EU.

Ông Bình cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU năm 2018 chỉ đạt khoảng 12 triệu USD, tương đương 20.000 tấn. So với tổng lượng xuất khẩu trên 6 triệu tấn của năm ngoái thì xuất khẩu vào châu Âu chiếm một lượng quá khiêm tốn.

Nguyên nhân là thuế nhập khẩu gạo từ Việt Nam vào các nước châu Âu ở mức rất cao, có thể lên đến 50%. Do đó, các nhà nhập khẩu gạo không chọn Việt Nam mà qua các nước khác được ưu đãi thuế ví dụ như Campuchia để mua gạo.

Thu hoạch lúa ở An Giang. Ảnh: Trần Mạnh

Tuy nhiên, với việc EVFTA được ký kết vào ngày 30-6 vừa qua, EU dành cho Việt Nam một hạn mức 80.000 tấn gạo mỗi năm với mức thuế 0%.

Đây chính là cơ sở để các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tăng xuất khẩu gạo vào châu Âu ngay trong năm 2019 và các năm sắp tới. "Gạo Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chuẩn mà EU đưa ra. Với việc thuế về 0% thì xuất khẩu gạo sang thị trường này có thể tăng lên 4 lần so với năm 2018", ông Bình cho biết.

Theo Bộ Công thương, trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, gần như toàn bộ 100% biểu thuế và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (tối đa là 7 năm).

Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Đối với các mặt hàng nông sản, các nước châu Âu sẽ cắt giảm thuế quan về 0% lần lượt năm đầu tiên và sau 10 năm là 74,6% và 97,3% số dòng thuế nông nghiệp cam kết. Nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0% như các sản phẩm từ hạt… Đối với mặt hàng rau củ quả, EU cũng cam kết xóa bỏ thuế khi EVFTA có hiệu lực. 

Đối với thuỷ sản, khoảng 50% số dòng thuế sẽ được xoá bỏ, 50% dòng thuế còn lại cũng sẽ được xoá bỏ trong lộ trình 5 - 7 năm.

Với các cam kết trên, Hiệp định EVFTA giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho những sản phẩm mà ta có thế mạnh như nông sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau, củ, quả, v.v) và thủy sản, tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam tiếp cận với thị trường 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu với hơn 500 triệu dân. 

Từ đó, nông sản Việt Nam có thể mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á.

Trần Mạnh (Báo Tuổi Trẻ)